Loạn giá thực phẩm chức năng dành cho trẻ em

Nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện phải kê khai giá, nhưng không hiểu vì sao lại chưa thực hiện kê khai giá hoặc kê khai giá chưa thành công. Hiện có khá nhiều sản phẩm TPCN đang được bán ra ngoài thị trường với giá “trên trời” nhờ mác nhập ngoại.

Loạn giá TPCN cho trẻ em, sản phẩm được thổi giá lên gấp 10 lần giá nhập khẩu?

Một thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết các các gia đình đều mong muốn con cái khỏe mạnh, thông minh đều nghĩ đến việc bổ sung TPCN sẽ giúp con phát triển toàn diện. Đơn cử chỉ cần tham gia bất cứ một hội, nhóm trên mạng xã hội, hay thậm chí là tìm kiếm trên google đã ra hàng chục triệu kết quả về cách sử dụng TPCN cho trẻ em thế nào.

Còn khi tham gia vào các hội, nhóm, các phụ huynh dễ dàng nhìn thấy những đứa trẻ xinh xắn, thông minh, khả năng ứng xử… khiến ai cũng ao ước con của mình cũng được như vậy. Chỉ cần cư dân mạng bày tỏ mong muốn được biết “bí quyết” giúp bé khỏe, đầy sức sống và thông minh là các chủ nhân bài viết sẵn sàng “bật mí” về kinh nghiệm bổ sung chất dinh dưỡng, TPCN, thuốc tăng đề kháng, tăng cường trí nhớ… và hầu hết đều khuyên nên mua các sản phẩm có nguồn gốc nhập ngoại thì sẽ tốt hơn các sản phẩm nội địa.

Chị Phạm Quỳnh Nhàn (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) cho biết, thường xuyên tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội để tham khảo nhiều phương pháp nuôi con thông minh. Tại các hội, nhóm này, rất nhiều người đã chia sẻ các sản phẩm TPCN bổ sung Vitamin, giúp con hấp thu, tiêu hóa… tăng cường phát triển các tế bào thần kinh của trí não, giúp bé cứng cáp… Mỗi tháng riêng tiền mua các sản phẩm TPCN này cũng ngốn của chị 3-4 triệu…

 

Qua tìm hiểu của PV, trong hàng loạt sản phẩm TPCN đang gây “bão” trên mạng xã hội, được nhiều bà mẹ “bỉm sữa” truyền tai nhau mua về cho bé sử dụng có thể kể đến một số sản phẩm gồm: BioAmicus Complete, BioAmicus Vitamin K2D3, Fitobimbi Sonno, Fitobimbi D3K2. Các sản phẩm TPCN này hiện đang được bày bán công khai ở nhiều hiệu thuốc, chuỗi nhà thuốc lớn cùng các cửa hàng kinh doanh sản phẩm mẹ và bé trên khắp cả nước như Con Cưng, Bibomart, Kids Plaza…

Khảo sát tại nhiều hiệu thuốc, cửa hàng mẹ và bé thì sản phẩm TPCN BioAmicus Complete, BioAmicus Vitamin K2D3 đang được bày bán với giá lần lượt là khoảng 480.000 đồng và 330.000 đồng cho một lọ chỉ 10ml. Hai sản phẩm này đã được quảng cáo “thần thánh” hóa khi cho rằng nếu sử dụng sẽ giúp bé có hệ tiêu hóa, đường ruột khỏe và giúp bé hấp thu tốt, cao lớn thông minh… và do là hàng nhập khẩu độc quyền, cho nên giá thành khá cao.

Còn với dòng sản phẩm Fitobimbi Sonno, Fitobimbi D3K2 thì hiện do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển công nghệ NNT Việt Nam nhập khẩu (trụ sở tại phố Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội), được Công ty Cổ phần dược phẩm DELAP (trụ sở tại 48 Tố Hữu, Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) phân phối, có giá bán khoảng 340.000 đồng/sản phẩm và  290.000 đồng/sản phẩm.

Mặc dù những sản phẩm TPCN nói trên được bán khá đắt với lý do là hàng “nhập khẩu”, nhưng thực tế qua tìm hiểu của Báo Nhà báo & Công luận, một sản phẩm TPCN BioAmicus Complete chỉ có giá nhập khẩu từ 1,8 USD (khoảng 42.500 đồng)/sản phẩm, còn BioAmicus Vitamin K2D3 có giá nhập từ 1,5 USD (khoảng 35.000 đồng)/sản phẩm. Tương tự, giá nhập khẩu của Fitobimbi Sonno chỉ khoảng 1,76USD (khoảng 41.500 đồng)/sản phẩm.

Tuy nhiên, sau khi ra đến các cửa hàng, hiệu thuốc tại Việt Nam, giá của các sản phẩm nỏi trên đã bị “thổi” lên khoảng 10 lần so với giá nhập khẩu. Đây là một mức giá khó có thể chấp nhận được không chỉ với người tiêu dùng mà còn với cả cơ quan chức năng quản lý về giá.

Có dấu hiệu không kê khai giá, người tiêu dùng bị “móc túi” công khai

Ngày 26/6/2017, Bộ Công Thương có Thông tư số 08/2017/TT-BCT Quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa thực hiện đăng ký giá với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Thông tư này trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá bằng biện pháp đăng ký giá.

Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu đăng ký giá bán lẻ khuyến nghị và có trách nhiệm thông báo kịp thời mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký đối với hệ thống phân phối sản phẩm của mình. Mức giá bán lẻ phải được niêm yết và không được vượt quá mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký. Ngoài ra, mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký là cơ sở để cơ quan tiếp nhận đăng ký giá và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý Nhà nước về giá và công bố cho người tiêu dùng.

Quy định là vậy, nhưng hiện vẫn còn một số doanh nghiệp không hiểu vì sao lại chậm trễ đăng ký kê khai giá bán, điều này sẽ dẫn tới việc không công khai, minh bạch được sự chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán ra, khiến khách hàng khó lòng biết được giá trị “thật” của sản phẩm đang mua.

Theo tìm hiểu của Báo Nhà báo & Công luận, các sản phẩm TPCN BioAmicus Complete, BioAmicus Vitamin K2D3, Fitobimbi Sonno, Fitobimbi D3K2 là những sản phẩm được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liệt kê vào danh sách các sản phẩm thuộc diện kê khai giá từ những năm 2020. Tuy nhiên, PV lại không thể tìm thấy bất kì thông tin kê khai giá nào của công ty nhập khẩu cũng như công ty phân phối các sản phẩm TPCN nói trên tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương, cũng như Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương TP Hà Nội.

Từ các nghi vấn trong quá trình tìm hiểu thông tin liên quan đến giá nhập khẩu, giá bán cũng như việc thiếu sót thông tin kê khai giá của các công ty nhập khẩu đều cho thấy nhiều khả năng việc kê khai giá của các sản phẩm nói trên chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa thành công, nhưng đã vội bán tràn lan ra thị trường.

Ý kiến từ một số chuyên giá trong lĩnh vực TPCN cho rằng, cần làm rõ về việc các sản phẩm TPCN theo quy định phải kê khai giá, nhưng lại chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước mà vẫn được bày bán công khai ra thị trường tại các địa điểm lớn. Bởi, chỉ cần nhẩm một phép tính đơn giản, chỉ bằng ít chi phí chạy quảng cáo, thổi phồng công dụng các sản phẩm TPCN, các sản phẩm sẽ đến tay người tiêu dùng với giá cao cả chục lần như vậy thì sẽ mang đến lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối.

Nhất là hành vi bán các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được kê khai giá theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trục lợi từ sự tin tưởng, niềm tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nhà thuốc, chuỗi nhà thuốc lớn và chuỗi cửa hàng mẹ và bé như Con Cưng, Kids Plaza, Bibomart… cũng nhập và bán lẻ các sản phẩm khi chưa tìm hiểu kỹ về thông tin sản phẩm đã vô tình tiếp thay cho những đơn vị nhập khẩu, phân phối sản phẩm “móc túi” người tiêu dùng.

Trong kỳ tiếp theo, Báo Nhà báo & Công luận sẽ thông tin về tình hình hoạt động, lợi nhuận của một số doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối các sản phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. 

Nguồn: congluan.vn




Đối tác

favebook