Hàng giả “lộng hành” trên mạng: Giả mạo từ hàng bình dân đến xa xỉ
Từ món hàng vài chục ngàn đồng đến sản phẩm trị giá lớn đều có nguy cơ bị giả mạo thương hiệu khiến không ít doanh nghiệp “thiệt đơn, thiệt kép” bởi ngoài việc nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, họ còn phải âm thầm đổ tiền cho cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái…
Người dùng... lãnh đủ
Chai nước hoa hết cách nay vài tuần vẫn chưa kịp mua mới thì tình cờ chị N.P.K. (ngụ đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TPHCM) phát hiện phiên livestream bán hàng mỹ phẩm khuyến mãi 50%-70% nhân dịp lễ 30-4 và 1-5. Các loại hàng hiệu như Chanel, Gucci… loại 50ml giá chỉ từ 400.000-600.000 đồng/chai, trong khi tại các cửa hàng, trung tâm thương mại bán hàng chính hãng có giá từ 2 triệu đồng/chai trở lên. “Tôi chọn mua 1 chai nhãn hiệu Gucci giá 600.000 đồng, nhưng người bán không xuất hóa đơn chứng từ. Khui dùng liền tôi thấy không đúng mùi hay dùng, vùng da dính nước hoa bị sần, ửng đỏ… Tiếc tiền nhưng tôi vẫn phải vứt bỏ vì mua phải hàng dỏm, nếu tiếp tục dùng có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe”, chị P.K. cho hay. Tương tự, một số mặt hàng son môi, phấn nền, kem chống nắng… thuộc nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng bị làm giả, bán rải rác tại thị trường Việt Nam dưới danh nghĩa hàng “xách tay”… Anh V.T.V. (ngụ quận 3, TPHCM) chia sẻ, hôm trước, anh mua tặng người yêu một tuýp kem chống nắng Nhật Bản có giá khuyến mãi 300.000 đồng (giá gốc 700.000 đồng), nhưng người yêu dùng thử thì phát hiện dung dịch chống nắng bị vón cục, sản phẩm có dấu hiệu bị làm giả khi không in hạn sử dụng, nắp vặn thay vì nắp bật như hàng cùng loại…
Không riêng các mặt hàng xa xỉ phẩm, ngay một số đồ ăn thức uống, đặc sản địa phương cũng bị làm nhái khá nhiều. Tại phiên livestream bán trái cây, đặc sản của huyện Cần Giờ (TPHCM) mới đây được đánh giá thành công vang dội, đơn hàng chốt liên tục, đặc biệt là cơ hội quảng bá đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, ngay sau đó, một số hàng đặc sản như xoài cát, khô cá dứa… nhanh chóng bị làm nhái, giả mạo thương hiệu của Cần Giờ khiến người tiêu dùng bức xúc do mua nhầm. Chẳng hạn, khô cá dứa Cần Giờ có giá từ 500.000-600.000 đồng/kg, nhưng khô cá dứa giả mạo thương hiệu chỉ có giá từ 140.000-200.000 đồng/kg… Anh N.N.A. (ngụ TP Hà Nội) bức xúc: “Lần đầu nướng khô cá dứa Cần Giờ lên ăn thấy rất ngon nên sau đó tôi đặt qua mạng mua khá nhiều để làm quà tặng người thân và lãnh đạo đơn vị, ai ngờ lại trúng hàng giả mạo. Sau khi dùng, mọi người phản hồi rằng, món cá này không ngon như loại họ từng thưởng thức khiến tôi rất ngượng và xấu hổ. Trao đổi với nơi bán họ phủi bay trách nhiệm, đổ lỗi cho chúng tôi không biết cách bảo quản, trong khi so sánh giá bán thì tôi biết mình đã bị lừa vì ham hàng rẻ”.
Một cán bộ quản lý thị trường TPHCM cho biết, hiện hàng dỏm tràn lan mọi ngóc ngách. Có những kho hàng lớn, khi lực lượng chức năng ập vô kiểm tra phát hiện quy mô chứa hàng khủng, với đủ loại hàng hóa “thượng vàng hạ cám”… Tất cả bao bì, mẫu mã sản phẩm đều giống như thật mặc dù phần lớn là hàng giả mạo thương hiệu, bán ra thị trường với giá rẻ. Vị cán bộ này thừa nhận nhiều lần chứng kiến chủ sở hữu các thương hiệu lớn trên thế giới phải lúng túng khi tìm cách phân biệt hàng thật - hàng giả trên thị trường. Chính các thương hiệu cũng xác nhận, những đối tượng làm giả hàng hóa ngày càng đạt đến mức tinh vi!
“Hạ gục” doanh nghiệp
Giám đốc kinh doanh của một thương hiệu hóa mỹ phẩm nước ngoài tại TPHCM tâm sự, phần lớn hàng hóa bị làm giả sẽ được tiêu thụ ở khu vực ngoại thành, các vùng nông thôn... Người dân thấy sản phẩm được quảng cáo nhiều trên truyền thông và bán giá rẻ nên sẵn sàng ủng hộ mà đâu biết đó là hàng kém chất lượng. “Mỗi năm, chúng tôi tiêu tốn nhiều tỷ đồng cho công tác chống hàng nhái, hàng giả, nhưng âm thầm thôi. Vì chỉ cần la lên, thiệt hại lại đổ về phía mình, bởi người tiêu dùng có khả năng tẩy chay. Chống hàng giả cũng khổ mà thông tin rộng rãi cho mọi người biết hàng bị làm giả cũng khổ. Hàng giả đã ăn mòn vào lợi nhuận, tác động trực tiếp đến nguồn lực của doanh nghiệp”, giám đốc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TPHCM, lo lắng. Gần 30 năm qua, đội ngũ lãnh đạo thương hiệu thời trang Nón Sơn vẫn âm thầm đi hết trong Nam ngoài Bắc để truy tìm tận nơi các “ổ” sản xuất nón giả, bảo vệ thương hiệu cũng như quyền lợi người tiêu dùng. “Có những lô hàng giả mạo Nón Sơn trị giá nhiều tỷ đồng. Đối tượng livestream nón thật trên mạng nhưng lại giao hàng giả cho khách… Công sức cũng như chi phí bỏ ra chống hàng giả rất lớn, nhưng chúng tôi vẫn phải kiên trì đến cùng, không cho phép bản thân bỏ cuộc”, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, cho hay.