Cuối năm hàng giả lộng hành: Hàng thật sợ... hàng giả

TP -  Đau khổ với nạn sản phẩm bị làm giả, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh cho hay, doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ thương hiệu của mình.
Chi cục Quản lý thị trường TPHCM tiêu hủy hàng giả, hàng lậu. Ảnh: U.P.

     Trong hai năm 2015 – 2016, Công ty Nhựa Bình Minh liên tiếp phát hiện đối tượng sản xuất ống PVC-U giả. Trong đó, vụ 2016 đã được đưa ra xét xử nhưng công ty không được mời dự với tư cách người bị hại hoặc các bên có nghĩa vụ liên quan. Công ty Nhựa Bình Minh đã kháng án và mới nhận được giấy triệu tập tại tòa sẽ xử lại. Trong khi, đối tượng vi phạm đã hoàn thành thời gian thi hành án và được trả tự do. “Còn vụ năm 2015 với quy mô lớn, trị giá hàng hóa lên đến hàng tỷ đồng. PC46 Công an TPHCM bắt quả tang, báo chí đưa tin rầm rộ… Thế nhưng không hiểu vì lý do gì lại tạm đình chỉ, không gia hạn thời gian điều tra. Chúng tôi thực sự bối rối, không biết xoay xở thế nào để tiếp tục theo đuổi vụ án đến cùng” - ông Hải bức xúc.

     Nhiều DN thừa nhận, họ “sợ và bất lực” với hàng giả, hàng nhái. “Biết có người làm giả, chúng tôi lặng lẽ cho người đi thu mua rồi đem tiêu hủy. Đau lắm nhưng không dám “mách” ai, người tiêu dùng biết hàng của mình bị giả, sẽ tẩy chay mình luôn. Lúc đó chỉ có nước nhà máy đóng cửa” - bà Phương - chủ doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo lớn tại TPHCM nói.

     Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao kể, đã có nhiều chủ DN than với bà rằng, một chiếc áo ngực Trung Quốc gắn mác Việt Nam bán với giá 17.000 đồng/cái. Có nằm mơ cũng không thể sản xuất một chiếc áo có hơn 40 chi tiết may với giá đó. Hàng của Việt Nam chỉ riêng hai miếng mút cũng đã mất 20.000 đồng.

     Ông Lý Thành Sinh – Tổng giám đốc Công ty CP May thêu Minh Long Hưng chia sẻ, hàng giả, hàng nhái khiến không ít DN có thương hiệu cũng phải ngưng sản xuất, chờ hàng từ Trung Quốc nhập về, sau đó thuê nhân công “gia cố” thành hàng của công ty. Nhiều DN dệt may lay lắt thu hẹp thị trường. Chỉ còn khoảng 20% DN trong nước “mặn mà” với thị trường nội địa, nhưng đa số phải bù lỗ mới duy trì được, còn lại tập trung cho thị trường xuất khẩu để tìm lối thoát.

     Tại Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái vừa tổ chức tại TPHCM ngày 27/11, ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thừa nhận, thực trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xuất hiện ở mọi nơi, từ mặt hàng thông thường đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến tư liệu sản xuất... “Đây là nguy cơ lớn đối với các nhà sản xuất trong nước, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân” - ông Bảo nói.

10 tháng đầu năm 2017, TPHCM phát hiện gần 7.200 vụ vi phạm kinh doanh về nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ, không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng... Đáng lo ngại, không ít hàng hóa Trung Quốc gắn mác Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Bách – Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết: “Chi cục đã thực hiện và chỉ đạo các đội căn cứ tình hình thực tế để xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống trong dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018. Bên cạnh đó, còn phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương để ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng này. Mục tiêu nhằm hướng đến người dân, doanh nghiệp cùng nỗ lực, chủ động vì môi trường kinh doanh an toàn”. 


Các tin khác:


Đối tác

favebook