Mỗi sản phẩm mỹ phẩm trước khi lưu thông trên thị trường đều bắt buộc phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp 1 phiếu công bố riêng biệt. Tuy nhiên, công ty MQ không hiểu đã căn cứ trên cơ sở nào để sử dụng 1 phiếu công bố cho cùng lúc 2 sản phẩm với tên gọi khác nhau.
Cụ thể, sản phẩm MQ Skin Ginseng Repair Serum (Tinh chất nhân sâm tái tạo da) trên bao bì ghi “chuyển giao công nghệ Hàn Quốc, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu MQ (công ty MQ), địa chỉ: 280 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Mã vạch sản phẩm 8936117150012. NSX 03/09/20, HSD 03/09/23 và 1 kí tự S0:003. Sản phẩm này không thể hiện số lô sản xuất.
Tra cứu tên của doanh nghiệp này ra mã số thuế 0313734150, Người đại diện pháp luật ông Đỗ Minh Quân.
Sản phẩm này được giới thiệu thành phần là Aqua, chiết xuất nhân sâm, Arbutin, methyl Salicylate... Số công bố 002559/19/CBMP – HCM.
Tuy nhiên, lạ một điều là, cũng với số phiếu công bố 002559/19/CBMP – HCM công ty MQ lại cho ra thị trường một loại sản phẩm khác với tên gọi MQ Skin Ginseng Repair Serum Premium (Tinh chất nhân sâm tái tạo da cao cấp) trên bao bì ghi “chuyển giao công nghệ Hàn Quốc, chịu trách nhiệm phân phối công ty MQ, địa chỉ: 280 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Mã vạch sản phẩm 8936117150197. NSX 02/12/20, HSD 03/12/23 và 1 kí tự S0:004. Sản phẩm này không thể hiện số lô sản xuất.
Đặc biệt, thành phần của sản phẩm này giống y chang MQ Skin Ginseng Repair Serum là Aqua, chiết xuất nhân sâm, Arbutin, methyl Salicylate...
Đến đây, có thể khẳng định, công ty MQ đang sử dụng 1 phiếu công bố được cấp để làm ra 2 sản phẩm có thành phần giống y chang nhau, chỉ khác tên gọi.
Theo tìm hiểu của PV, tất cả các sản phẩm mỹ phẩm trước khi lưu thông trên thị trường đều bắt buộc phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phiếu công bố mỹ phẩm. Phiếu công bố mỹ phẩm không chỉ là giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo sản phẩm không chứa chất cấm hay vượt ngưỡng cho phép, mà còn tạo niềm tin cho khách hàng về một sản phẩm an toàn, chất lượng.
Như vậy, có thể khẳng định, việc cố tình dùng Số công bố 002559/19/CBMP – HCM để bán 2 sản phẩm, công ty MQ đang có dấu hiệu khuất tất trong kinh doanh.
Thêm vào đó, trong quá trình thu thập thông tin chúng tôi còn phát hiện trên website www.mqgroup.com.vn rất nhiều hình ảnh các hình ảnh sản phẩm nhãn hiệu MQ Skin nhưng lại được ghi là: Trị mụn rỗ, nám, tàn nhang, da không đều màu, se khít lỗ chân lông, thải độc gấp 5 lần so với những loại kem bình thường, trị da hư tổn do dùng thuốc rượu, kem chứa corticoid, chất tẩy… Cần làm rõ tính chân thật của những thông tin này. Bởi theo quy định những từ như: Trị; Điều trị,… không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên cho sản phẩm.
Trao đổi với PV, một chuyên gia pháp lý cho biết, Luật Quảng cáo năm 2012 đã có quy định cấm đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng kí hoặc đã được công bố.
Có thể bị đình chỉ lưu hành và thu hồi?
Căn cứ Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế thì trường hợp “mỹ phẩm lưu thông khi chưa được cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm” sẽ bị đình chỉ lưu hành và thu hồi.
Và cho dù đã được cấp số công bố mỹ phẩm nhưng một khi nhãn ghi sai lệch bản chất, tính năng vốn có của sản phẩm thì cũng có thể bị thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mĩ phẩm đã được cấp.
Bên cạnh đó, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định trường hợp nhãn mỹ phẩm ghi tính năng, công dụng sai với bản chất vốn có của sản phẩm thì ngoài bị phạt tiền còn có thể bị buộc tiêu hủy mỹ phẩm.
Từ những dấu hiệu sai phạm nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ, xử lí nghiêm các sai phạm (nếu có) để đảm bảo quyền lợi chính đáng và sức khỏe cho người tiêu dùng.