Hàng giả làm rất tinh vi, quản lý thị trường trưng bày để người dân phân biệt

Rất nhiều sản phẩm bị làm giả rất tinh vi và rất khó nhận biết nếu thông qua bao bì. Người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu thật kỹ thông tin trước khi ra quyết định mua, tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng.
Ngày 3.7, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) mở cửa phòng trưng bày với chủ đề: Nhận diện thực phẩm thật - giả, nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày truyền thống lực lượng Quản lý thị trường (3.7.1957 - 3.7.2024).


Đây là lần thứ 12, Phòng trưng bày của Tổng cục Quản lý thị trường, tại số 62 phố Tràng Tiền (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) mở cửa miễn phí, đón khách tham quan, người tiêu dùng được trực tiếp tìm hiểu thông tin, kiến thức phân biệt hàng hóa thật - giả đang lưu hành trên thị trường.

Dịp này, Phòng trưng bày của Tổng cục Quản lý thị trường giới thiệu trên 400 sản phẩm, so sánh giữa hàng thật và hàng giả của nhiều loại lương thực, thực phẩm như: gạo Ông Cua, gạo Ngon Nhất, gạo Séng Cù, đậu tương.

Ngoài ra, phòng trưng bày giới thiệu nhiều loại sữa bột bị làm giả, giả mạo nhãn hiệu như: sữa bột Pediasure, sữa bột Glucerna, sữa bột Abbott Grow, sữa bột Ensure Gold, kẹo Hubba Bubba, bánh cốm Nguyên Ninh, mật ong…

Cũng trong lần mở cửa này, phòng trưng bày của Tổng cục Quản lý thị trường giới thiệu, cảnh báo người tiêu dùng về các sản phẩm mỹ phẩm, dầu gội đầu, nước xả vải của các thương hiệu nổi tiếng bị làm giả vừa bị lực lượng quản lý thị trường Hà Nội, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa phát hiện, bắt giữ trong thời gian vừa qua.

Ông Phạm Khắc Huy, Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết qua kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường phát hiện rất nhiều loại thực phẩm bị làm giả, giả mạo với hình thức rất tinh vi. Đây là những mặt hàng thiết yếu, được tiêu thụ hàng ngày.

Các sản phẩm bị làm giả hoặc giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, đã được đăng ký sở hữu trí tuệ này không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

"Trên thực tế, qua nhiều vụ việc đã phát hiện và xử lý; các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm bị làm giả với phương thức rất tinh vi, nếu chỉ nhận diện thông qua bao bì thì rất khó nhận diện được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật", ông Huy nói.

Cũng theo ông Phạm Khắc Huy, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công cụ để kiểm tra, xác thực hàng thật - hàng giả thông qua các ứng dụng thông tin. Theo đó, người tiêu dùng nên sử dụng những công cụ này để kiểm tra thật kỹ thông tin sản phẩm trước khi ra quyết định mua hàng, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ngoài thị trường kinh doanh truyền thống, Tổng cục Quản lý thị trường đang tập trung lực lượng xử lý hàng giả trên các nền tảng thương mại điện tử.

"Vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức rất nhiều các cuộc tập huấn, chia sẻ kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng quản lý thị trường các địa phương về kỹ năng để tìm kiếm các trang mạng bán hàng giả, hàng giả mạo các thương hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ để phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý", ông Huy nói.
Nguồn: thanhnien

Các tin khác:


Đối tác

favebook