Kinh doanh TPCN hiện đang là lĩnh vực đem lại tỷ xuất lợi nhuận lớn, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần kinh kế. Tuy nhiên, thời gian qua, việc các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều sản phẩm TPCN giả, kém chất lượng, có cả những sản phẩm chứa hoạt chất cấm được lưu hành trên thị trường...
Ngày càng nhiều vi phạm
Chưa bao giờ, việc giao dịch mua bán TPCN lại dễ dàng như hiện nay. Người tiêu dùng có thể tìm được đủ loại TPCN thông qua các hiệu thuốc, siêu thị, chợ truyền thống, các trang mạng xã hội, hoặc qua một lực lượng “hùng hậu” là hội viên của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp… Cùng với đó, các sai phạm trong kinh doanh TPCN cũng liên tiếp được phát hiện.
Nếu như cách đây 10 năm, cả nước chỉ có 13 đơn vị sản xuất, nhập khẩu TPCN, thì đến nay, đã có gần 4.000 đơn vị sản xuất, nhập khẩu TPCN với hơn 20.000 sản phẩm đã công bố và được phép lưu hành.
Trong 2 năm qua, trên cả nước, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 12.665 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN. Tổng giá trị hàng hoá vi phạm lên đến 99,233 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 75,530 tỷ đồng; khởi tố 17 vụ án hình sự với 29 đối tượng liên quan. Những con số đáng báo động!
Theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, riêng đơn vị này đã xử phạt 33 cơ sở vi phạm, tạm dừng lưu thông và tiêu huỷ 70 lô sản phẩm, chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an điều tra 2 doanh nghiệp có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả. Qua thực tế thanh kiểm tra cho thấy, các vi phạm chủ yếu là quảng cáo trái phép, thổi phồng công dụng của sản phẩm, lưu hành sản phẩm không đạt chỉ tiêu chất lượng như công bố…
Cũng trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc nổi cộm về kinh doanh TPCN liên tiếp được các cơ quan chức năng, báo chí phát hiện, khiến dư luận hoang mang như: Công ty cổ phần Dược phẩm Quốc tế USA sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng Arginin B.Complex Extra, thực phẩm Anphavit calci nano, Pediasure, không đúng như tiêu chuẩn công bố; Công ty cổ phần Dược Viko 8 - Pháp sản xuất thực phẩm chức năng Trinh nữ hoàng cung Pháp Âu giả, không có giá trị sử dụng, kết quả kiểm nghiệm âm tính với trinh nữ hoàng cung; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam do doanh nhân được lựa chọn đi thi Hoa hậu Quý bà châu Á 2017 - bà Nguyễn Thu Trang làm giám đốc bị Quản lý thị trường Hà Nội chuyển công an điều tra lô mỹ phẩm, TPCN không rõ nguồn gốc trị giá gần 11 tỷ đồng...
Kiên quyết xử lý nghiêm
Trong sản xuất TPCN giả, để qua mắt lực lượng chức năng, thông thường đối tượng sản xuất hàng giả thường lập DN có chức năng kinh doanh, sản xuất TPCN, sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm không dán tem, nhãn mác. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ, lúc đó đối tượng lập tức cho dán nhãn mác giả.
Hầu hết nguyên liệu sản xuất TPCN giả nhãn mác đều không rõ nguồn gốc hoặc hàng Trung Quốc giá rẻ, nhưng được “phù phép” thành sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng từ Mỹ, Nhật Bản, Australia…
Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài việc các cơ sở cố tình gian dối để trục lợi, còn do hệ thống quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh TPCN còn lỏng lẻo. Quốc hội đã thông qua Luật ATTP (năm 2010), trong đó có đề cập đến quản lý TPCN, nhưng chưa có Nghị định về quản lý TPCN được xây dựng. Hiện nay, mới chỉ có Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý TPCN, dẫn đến việc giám sát các hoạt động sản xuất, quản lý chưa chặt chẽ, thị trường TPCN bị cơ quan quản lý gần như thả nổi.
Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tạo thị trường kinh doanh minh bạch, vừa qua, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo về tình hình sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Phó Thủ tướng yêu cầu ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường quản lý, giám sát các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Y tế khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; kiên quyết xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định.