Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm là hàng giả, hàng nhái. Trong khi đó, chế tài xử phạt còn lỏng lẻo, chưa đủ sức răn đe khiến cho mỹ phẩm giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất, địa bàn tới đối tượng vi phạm.
Thực tế, không khó bắt gặp hình ảnh người bán hàng trải một chiếc chiếu để bán mỹ phẩm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Việt Nam đã trở thành một thị trường hấp dẫn các nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm do nhu cầu sử dụng của người dân đang có xu hướng gia tăng.
Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng các lỗ hổng để kinh doanh chộp giật, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến kinh doanh mỹ phẩm chân chính. Như vụ kinh doanh mỹ phẩm của công ty TS Việt Nam.
Vỉa hè bán mỹ phẩm ngoại
Khảo sát thực tế cho thấy trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm giả, nhái. Không khó bắt gặp hình ảnh người bán hàng trải một chiếc chiếu để bán mỹ phẩm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Đông, Tổng Giám đốc công ty CP Mỹ phẩm Hoa Lan, chia sẻ bà có cơ hội sang Thái Lan và được biết họ chỉ xuất khẩu sang Việt Nam với số lượng đủ để vào siêu thị nhưng không hiểu vì sao ở các vỉa hè Việt Nam lại có nhiều hàng Thái để bán đến thế.
“Tôi cho rằng quản lý thị trường còn rất lỏng lẻo. Một DN gần công ty chúng tôi chỉ nhập hàng Trung Quốc và thuê tới 250 người chỉ ngồi bóc tem Trung Quốc và dán tem Việt Nam. Nhưng khi biết ngày mai có thanh tra đến, họ lại cho công nhân nghỉ và chỉ để lại một số người đang làm. Vì vậy, mọi việc diễn biến vẫn tốt”, bà Đông nói.
Theo người trong cuộc, có rất nhiều nguyên nhân có thể kể đến. Đó là bất cập về chính sách, thực thi DN, lực lượng kiểm tra kiểm soát, người đứng đầu. Đặc biệt đến nay vẫn chưa có người đứng đầu chịu trách nhiệm về vấn đề mỹ phẩm giả.
Ông Nguyễn Thế Truyền, công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, nhấn mạnh cơ quan quản lý chưa bắt nhịp, làm đúng làm đủ theo kiểu hậu kiểm. Nếu làm đúng, làm đủ thì các DN khi tự công bố cũng “run tay”, không dám công bố các số liệu vống lên.
“Để hạn chế tình trạng này, cơ quan quản lý cần kiểm soát ngay từ đầu, có chế tài xử phạt, răn đe”, ông Truyền nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho rằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ bảo vệ người tiêu dùng và DN đấu tranh chống hàng giả.
Tăng thông tin và truyền thông
Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Sao Thái Dương, thừa nhận dù sản phẩm có nguồn gốc nhưng bản thân đơn vị sản xuất chưa ý thức được trách nhiệm của mình khi sản xuất sản phẩm để lưu thông trên thị trường.
“Hầu hết DN sản xuất kinh doanh mỹ phẩm hiện nay còn mơ hồ. Chúng tôi đồng ý với ý kiến cần đào tạo từ người sản xuất, thành viên, người tiêu dùng có quan tâm đến lĩnh vực mỹ phẩm này”.
Chưa kể, theo bà Liên, hàng handmade hiện nay rất phát triển nhờ xu hướng bán hàng online phát triển mạnh. Hàng handmade thường được sản xuất tại các cơ sở nhỏ, chỉ cần phòng thí nghiệm nhỏ nên việc kiểm soát về vi sinh vật, độ ẩm, không khí chắc chắn sẽ không được tốt bằng các cơ sở được trang bị kỹ thuật kỹ càng.
“Vì vậy, giá thành chắc chắn sẽ rẻ, cạnh tranh với sản phẩm của các hãng lớn đầu tư máy móc, quản lý chất lượng, nhân sự… Đây chính là rào cản cho DN dám dũng cảm tiến lên xây dựng sản phẩm một cách bài bản”, bà Liên chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Cường, đại diện nhãn hàng mỹ phẩm C’N, cho rằng phải nhìn thấy vấn đề là tại sao sản phẩm giả, nhái mà vẫn khiến cho khách hàng có động cơ để dùng. Đó là vấn đề nhận thức của người tiêu dùng và đào tạo cho người bán hàng rất quan trọng.
Vì vậy, “DN làm ăn chân chính cần thường xuyên tăng cường đào tạo cho đại lý bán hàng của mình thông tin cho người tiêu dùng. DN bán hàng giả, nhái có thể dán tem bất kỳ của nhãn hàng nào trên sản phẩm của mình, do đó DN làm ăn chân chính cần có thiết kế riêng, nhận diện riêng biệt để người tiêu dùng nhận biết”, ông Cường nói.
Ông Tae Hwa Jang, Giám đốc điều hành Thế giới mỹ phẩm K-Beauty Hàn Quốc, nhấn mạnh thị trường mỹ phẩm Việt Nam rất lớn, rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm các nước muốn thâm nhập vào thị trường. Tuy vậy, Việt Nam cần phải đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho người tiêu dùng.
Về phía cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý cụ thể như cấp mã sản phẩm để người tiêu dùng có thể tra được. Về phía người tiêu dùng cần phải thông thái hơn. Cũng như các DN sản xuất cần làm việc có tâm hơn để đưa ra những sản phẩm chất lượng tới người tiêu dùng.