Nghị định 111 về nhãn hàng hóa: Đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 111 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43 sẽ giúp tăng quyền cũng như nâng cao trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp. Quy định mới đảm bảo tính minh bạch cũng như sự linh hoạt, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự trung thực và tính chính xác của hàng hóa.
Thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp thiếu hiểu biết hay cố tình gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu nhằm trục lợi, trốn thuế đã gây thách thức cho việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng. Không những thế, sai lệch xuất xứ hàng hóa xuất khẩu còn là nguyên nhân của nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại làm giảm uy tín doanh nghiệp, ngành hàng và giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
 
Nghị định 111 về nhãn hàng hóa giúp đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Nghị định 111 về nhãn hàng hóa giúp đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đối với quy chuẩn, yêu cầu về quy tắc, nguồn gốc xuất xứ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã vướng phải không ít tình huống éo le khi cùng 1 mặt hàng, cùng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra nhưng nếu sản phẩm đó xuất khẩu sang mỗi thị trường yêu cầu đặt ra lại hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể, với thị trường Singapore, sản phẩm dệt may chỉ cần là quần áo đã được coi là có xuất xứ Việt Nam, đồng nghĩa khi sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này sẽ được hưởng ưu đãi. Nhưng cũng cùng loại sản phẩm đó khi xuất khẩu sang thị trường EU lại phải đáp ứng quy tắc 2 công đoạn, công đoạn dệt vải và cắt may quần áo phải được thực hiện tại các nước thành viên của Hiệp định EVFTA mới được hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ EVFTA.

“Một sản phẩm dù cùng của một nhà máy xuất khẩu, khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O) trong khối ASEAN thì các tổ chức của Bộ Công Thương vẫn cấp bình thường, nhưng khi cấp C/O đi EU thì không được đáp ứng và lô hàng đó không đạt tiêu chí có xuất xứ Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu hàng hóa đến thị trường nào đều cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường đó, để có thể làm hồ sơ chứng minh xuất xứ cho phù hợp”, bà Hiền cho biết.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43 về nhãn hàng hóa. Theo đó, Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt. 

Giới chuyên gia đánh giá, việc Chính phủ ban hành Nghị định 111 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43 sẽ giúp tăng quyền cũng như nâng cao trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp.

Quy định mới đảm bảo tính minh bạch, sự linh hoạt, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự trung thực và tính chính xác của hàng hóa, tuân thủ quy định về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Các tin khác:


Đối tác

favebook