Tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam

    Ngày 23 tháng 7 năm 2019, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch số 19/KH- BCĐ389 về Tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Huy động các lực lượng tham gia chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam. Ảnh: TH

    Trong thời gian qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của nhiều người dân cả nước. Một số đối tượng lợi dụng tâm lý đó đã đặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu chính ngạch hoặc nhập lậu về Việt Nam sau đó lắp ráp, đóng bao bì, gắn mác “Made in Vietnam” để đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước. Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết, tham gia 14 FTA, gần đây nhất là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), theo các cam kết trong FTA, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi, điều này cũng kèm theo nguy cơ hàng hóa từ các quốc gia lân cận không được hưởng ưu đãi đưa sang Việt Nam thực hiện một số công đoạn gia công đơn giản như dán nhãn, đóng gói, hoặc lắp ráp đơn giản… sau đó xuất khẩu đi nước thứ ba.

    Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch số 19/KH- BCĐ389 về Tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam, trong đó giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác đấu tranh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam đánh lừa người tiêu dùng trong nước, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan và tác hại của việc sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến các quy định về hàng hóa xuất xứ Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tế.

    Giao Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tăng cường rà soát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới, quản lý thương mại, thị trường trong nước, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng để kịp thời phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam; rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến các qui định về hàng hóa xuất xứ Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tế; Phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng, trong đó tập trung vào các hoạt động truyền thông về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 Giao Bộ Tài chính Chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường công tác thu thập, trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình địa bàn để kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các dấu hiệu nghi vấn, các hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, nhằm xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Kiểm tra chặt chẽ việc khai báo mã HS cho mặt hàng nhập khẩu của doanh nghiệp, không để các đối tượng cố tình khai báo sai mã HS của nguyên liệu nhập khẩu để làm căn cứ xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu tại các đơn vị cấp C/O. Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thu thập, trao đổi, xác minh thông tin, tài liệu liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ.

    Giao Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa; rà soát những bất cập về các quy định ghi nhãn hàng hóa; xem xét ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hoá, trong đó qui định cụ thể các tiêu chí về ghi nhãn hàng hoá “Made in Việt Nam” hoặc “hàng hoá Việt Nam chất lượng cao” hoặc tiêu chí ghi nhãn hàng hóa bằng tiếng nước thứ ba khi nhập khẩu hoặc qui định cụ thể về việc đặt gia công, ủy thác sản xuất hàng hóa từ nước ngoài... để tránh việc các đối tượng lợi dụng để vi phạm và tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm.

Nguồn:http://bcd389.gov.vn/tin-tuc/chi-tiet/tang-cuong-phong--chong-buon-lau--san-xuat--kinh-doanh-hang-hoa-gia-mao-nhan-mac--xuat-xu-viet-nam


Các tin khác:


Đối tác

favebook