Sách giả tràn lan thị trường: Lazada bị khởi kiện chỉ là bề nổi của tảng băng chìm

Từ câu chuyện Lazada bị First News - Trí Việt khởi kiện liên quan tới hành vi bán sách giả, nhiều chuyên gia đã chỉ ra nghịch lý chỉ có tại thị trường kinh doanh sách ở Việt Nam.
Mới đây, ngày 9/9, đại diện Công ty TNHH Văn Hóa Sáng Tạo First News - Trí Việt (First News - Trí Việt) đã gặp gỡ báo chí để cung cấp thông tin liên quan đến vụ kiện Công ty Lazada (thuộc Công ty Recess - Alibaba).

Theo First News – Trí Việt, từ năm 2019 tới nay, nhiều đầu sách của công ty được bán trên Lazada với bản in giả, kém chất lượng, nhiều sai sót. Đó là: Đắc nhân tâm, Hành trình về phương Đông, Hạt giống tâm hồn, Nghĩ giàu và làm giàu, Đánh thức con người phi thường trong bạn, Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari, Đi tìm lẽ sống, Muôn kiếp nhân sinh...

Đại diện First News - Trí Việt cho hay, việc đưa Lazada ra tòa là hành động cực chẳng đã vì công ty đã nhiều lần cảnh báo yêu cầu đơn vị này dừng tình trạng bán sách giả nhưng không được phản hồi.
Một đầu sách được First News – Trí Việt cho biết đã làm giả và bán trên Lazada.

Thực tế tình trạng in, mua bán sách in lậu tràn lan đã diễn ra nhiều năm nay. Đại diện First News – Trí Việt từng thống kê trong số gần 300 đầu sách bán chạy của công ty thì tất cả đều bị vi phạm bản quyền ở cả sách giấy, sách điện tử và sách nói. Trong đó, những đầu sách được gọi là "những cuốn sách bán chạy mọi thời đại của First News" như "Đắc nhân tâm", "Đi tìm lẽ sống", "Bí mật tư duy triệu phú", "Nghĩ giàu làm giàu",… có hơn 10 đơn vị in giả.

Một công ty phát hành sách tên tuổi khác là Alpha Books cũng nhiều lần bị làm giả sách in, bản thu audio… Tình trạng sách giả diễn ra ngày một tinh vi, công khai tại các nhà sách, trên các sàn thương mại điện tử.

Trong những năm trở lại đây, các đơn vị gồm First News, Nhã Nam, NXB Trẻ, Alpha Books... đã tham gia xử lý một loạt trang mạng kinh doanh audio books lậu. Các đơn vị cũng làm việc với các cơ quan quản lý như Cục Xuất bản, đoàn liên ngành phòng chống in lậu trung ương, lực lượng QLTT,… để tiến hành xử lý khi phát hiện các cơ sở in ấn, gia công đóng xén và tập kết sách giả, sách in lậu. Tuy nhiên có vẻ vẫn không thấm vào đâu.

Năm 2019, Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương và các Đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành 1.281 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy và xử phạt hành chính 100 cơ sở với tổng số tiền phạt 818,2 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 126.124 xuất bản phẩm.

Trong đó, Hà Nội tiến hành 478 cuộc, xử phạt 483,2 triệu đồng, tịch thu 27.086 xuất bản phẩm; TP.HCM triển khai 21 cuộc, xử phạt 134 triệu đồng; Bình Định 26 cuộc, tịch thu 73.361 xuất bản phẩm.

Một trong những vụ việc ở Bình Định có dấu hiệu tội phạm hình sự, với tổng giá trị sách hơn 1,5 tỷ đồng, hồ sơ được chuyển sang cơ quan điều tra công an tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra, xử lý vi phạm của các Đội liên ngành và Sở Thông tin và Truyền thông giảm. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ngày 17/8, Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội, kiểm tra đột xuất Công ty Cổ phần Hợp Thành Phát (số 779 Nguyễn Khoái, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Qua kiểm tra, cơ quan an ninh phát hiện Công ty Cổ phần Hợp Thành Phát gia công xong 4 đầu sách với tổng cộng 5.314 bản và gần một tấn ruột sách bán thành phẩm (cuốn Tiếng Anh lớp 5, Tâm lý 02) đang được gia công.

Các đầu sách trên đều ghi tên Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam và dán tem nhái tem chống giả của đơn vị này.

Trước đó, ngày 09/7, lực lượng Tổng cục Quản lý  thị trường phối hợp cùng đội số 17, lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội đã đột kích vào kho hàng có địa chỉ tại số 87 phố Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội thu giữ một lượng lớn ấn phẩm sách giáo dục bị làm giả của các nhà xuất bản. 

Tại thời điểm kiểm tra, số hàng giả này đang được đóng gói, đưa ra thị trường tiêu thụ. Đáng chú ý, mã vạch, tem chống hàng giả đều được làm rất tinh vi.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, đây là lượng sách giáo khoa lớn nhất bị phát hiện tại Hà Nội.

Có thể nói, tình trạng in lậu còn rất phức tạp, cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Xuất bản, In và Phát hành.

Nghịch lý “thu lời trăm tỷ, xử phạt chục triệu”

Một nghịch lý sách lậu được nhiều chuyên gia pháp lý chỉ ra làtrong khi lợi ích kinh tế từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu là rất lớn do tổ chức, cá nhân in lậu, làm giả và tiêu thụ xuất bản phẩm không phải đầu tư xây dựng đề tài, bản thảo, trả tiền bản quyền, đóng thuế, chất lượng in, giấy thấp… thì khung hình phạt đối với hành vi này hiện rất thấp, chưa đủ nghiêm khác.

Luật sư Lê Khắc Hải – Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay: “Hiện nay các hình phạt liên quan tới hành vi làm và tiêu thụ sách lậu chỉ là xử phạt hành chính, rất khó để quy về tội hình sự”.

Luật sư Hải chỉ ra, hành vi in lậu bị phạt 30-40 triệu đồng; còn hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in lậu, in giả, in nối bản trái phép từ 300 bản trở lên bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Trong khi lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu là hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Đây cũng chính là nguyên do quan trọng khiến cho tình trạng sách lậu ngang nhiên, kéo dài.

Thêm nghịch lý nữa khiến hiện trạng sách lậu ngày càng nhức nhối là sự phát triển của công nghệ (khả năng xử lý của máy móc, phần mềm, mạng internet, thương mại điện tử…) góp phần giúp sức cho các hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm lậu dễ dàng hơn quy mô và tốc độ lan truyền ngày càng lớn hơn.

Theo Luật sư Hải, việc tăng mức phạt đối với hành vi làm giả sách cũng là một phương án để ngăn chặn tình trạng này.

“Làm giả giấy tờ, làm giả con dấu của cơ quan tổ chức, làm giả thuốc… đều sẽ bị xử lý hình sự tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng. Theo tôi, tình trạng làm giả sách là một vấn đề nhức nhối và cũng nên tăng hình thức xử phạt, thậm chí nên xử lý hình sự đối với những vụ việc lớn và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.” – Luật sư Hải cho hay.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, hiện nay là thời điểm mà năm học mới sắp bắt đầu, do đó việc cung ứng sách giáo khoa đang bước vào giai đoạn cao điểm. Đồng thời, hoạt động sản xuất, kinh doanh sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng cũng trở nên sôi động theo.

Tiến sĩ Quang nói thêm, sách không qua kiểm định, kiểm tra rất dễ xảy ra sai sót, mà thường gặp là mờ chữ, mất nét, điều đó có thể sai hẳn ý nghĩa thể hiện. Điều này rất nguy hiểm nếu được tung ra thị trường, gây tổn hại tới học sinh, cho nên sách lậu, sách giả cần phải mạnh tay xóa bỏ.

Việc in ấn, kinh doanh sách lậu, sách kém chất lượng ngày càng tinh vi gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhận thức của lứa tuổi học sinh. Chính vì vậy, người mua cũng nên tự bảo vệ con em mình, tẩy chay sách lậu bằng cách tìm mua sách ở những nhà sách, hiệu sách có uy tín.

Theo đại diện Tổng cục QLTT, hoạt động in lậu, giả diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Đáng chú ý, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn tinh vi như dán mã vạch, tem chống hàng giả, khiến người tiêu dùng khó phân biệt được bằng mắt thường. Chỉ khi sử dụng thiết bị kỹ thuật soi chiếu mới biết được là sách giả.

Theo các chuyên gia, sách nhái, sách lậu hay sách không qua kiểm định, kiểm tra thường có sai sót như mờ chữ, mất nét, hoặc sai lệch về nội dung. Nếu số sách này được tung ra thị trường sẽ gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học, cũng như kinh tế nhiều nhà xuất bản, làm thất thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó, theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định, việc buôn bán sách lậu bị phạt hành chính từ 30 - 40 triệu đồng. Tuy nhiên, với lợi nhuận khủng “một vốn bốn lời” do in sách lậu, giả mang lại, khiến một số đối tượng sẵn sàng chấp nhận nộp phạt và tiếp tục làm giả sách.

Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho rằng, để đấu tranh với thực trạng in lậu, làm sách giả, lực lượng QLTT sẽ tiến hành xác minh các đối tượng in và tiêu thụ ở đâu, từ đó phối hợp với bên công an để mở rộng điều tra. Nếu có vi phạm pháp luật sẽ truy tố, xử lý trách nhiệm hình sự.

(Còn nữa)

Theo Nhật Nam

Các tin khác:


Đối tác

favebook