Mỹ phẩm giả, nhái thương hiệu nổi tiếng nhan nhản trên thị trường, khiến chị em vô cùng bất an khi lựa chọn sản phẩm làm đẹp. Ma trận Mỹ phẩm không chỉ ảnh hưởng uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn, nhiều trường hợp rước họa vì làm đẹp.
Địa chỉ một đằng, sản xuất một nẻo
Vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Sở Y tế TPHCM quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi nhiều mặt hàng MP có chứa chất corticoid, paraben… Tuy nhiên, thực tế khi phóng viên báo Tiền Phongtìm hiểu nhiều loại MP trong danh sách bị thu hồi tại TPHCM, thì những sản phẩm này vẫn bày bán tràn lan, còn tiểu thương nói rằng, không có chuyện hàng bị thu hồi, mà nếu có thu đi chăng nữa thì cũng… không còn.
Tại khu vực hóa mỹ phẩm chợ Bình Tây (Q.6), các quầy hàng bày la liệt hàng ngàn loại MP “thượng vàng hạ cám”, từ các thương hiệu nước ngoài đến trong nước, giá chỉ từ mười mấy ngàn đồng đến cả triệu đồng/sản phẩm. Đang phân vân trước “núi” MP, bà Thanh - tiểu thương chợ Bình Tây, giới thiệu: “Hàng của chị đều có thương hiệu, nguồn gốc hẳn hoi chứ không phải hàng trôi nổi đâu. Dạo này mặt hàng kem trắng da, trị mụn siêu tốc rất được ưa chuộng. Tuy hàng hiệu nhưng giá rất mềm. Em lựa đi, chị để giá sỉ cho”.
Theo quảng cáo, tất cả các loại MP ở đây đều có tác dụng như “thần dược” của sắc đẹp. Đơn cử như kem trắng da cấp tốc Mỹ Linh của công ty TNHH hóa mỹ phẩm Mỹ Linh (440 ấp Hưng Thạnh, xã Đông Phước A, H. Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Tôi khá bất ngờ bởi giá bán lẻ cực sốc, chỉ 18.000 đồng/hũ 50gr. Ngay trên hũ kem cho biết công dụng làm trắng da, theo đó, chỉ cần bôi kem lên mặt, cổ, tay chân bất cứ lúc nào sẽ có kết quả tức thì.
Bao bì bắt mắt, truyền thông rộng rãi, rất được lòng chị em có thể kể đến như kem nhau thai cừu phấn hoa - Q10 (giá 119.500 đồng/hũ 18gr) của công ty TNHH SX-TM MP Lê Hoàng Hà My (số 3, đường 176 ấp 4A xã Bình Mỹ, H. Củ Chi), phân phối độc quyền do công ty TNHH MTV TM HMP Nam Anh Khương. Đi kèm với sản phẩm là những lời “có cánh”: chiết xuất từ nhau thai cừu, phấn hoa, mật ong, vitamin A, E, PP… tác dụng dưỡng trắng da siêu tốc; da đen sạm, sần sùi, khô mốc, nếp nhăn li ti… cũng được xóa sạch. Hay sản phẩm kem của Như Tiên cơ sở SX HMP Minh Xuân (Trường Thọ, Trường Long, Phong Điền, Cần Thơ) khẳng định làm da đẹp trong 7 ngày; kem 3 trong 1 Ngọc Ân của công ty TNHH MTV SX TM XNK MP Tùng Ân (113 Lê Lâm, P. Phú Thạnh, Q. Tân Phú) cam kết hiệu quả trong 6 ngày…
Các loại MP nêu trên đều khẳng định uy tín, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra thì đều phát hiện sai phạm. Như kem 3 trong 1 (nám-mụn-giảm thâm) Ngọc Ân có chứa chất clobetasol propionate không được phép sử dụng trong mỹ phẩm; nhau thai cừu phấn hoa NAK Q10 (18g) cũng có chứa chất clobetasol propionate; kem trắng da ngừa trị mụn Bảo Lâm do công ty cổ phần Đông y dược Bảo Lâm sản xuất vì có chứa chất dexamethason acetat không được phép sử dụng trong mỹ phẩm; Kem trắng da Mỹ Linh không đáp ứng quy định về giới hạn hàm lượng Propylparaben. Những loại MP trên đã bị Cục Quản lý dược và Sở Y tế TPHCM ra quyết định yêu cầu công ty tự thu hồi nhưng trên thực tế, việc có thu hồi hay không thì chỉ có… trời mới biết.
Gần cả tuần lân la làm quen, mua sản phẩm của các tiểu thương kinh doanh tại chợ Kim Biên (Q.5), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), tôi thật bất ngờ khi nhiều tiểu thương tiết lộ: “Không biết nhà nước lấy mẫu ở đâu, chứ còn ở chợ, để tìm được đúng lô, đúng ngày sản xuất của loại MP có chất độc thì khó hơn “mò kim đáy biển”. MP ở chợ đa số phục vụ đối tượng bình dân, chúng tôi lấy hàng có chừng, bán trong vòng một - hai tuần là hết. Lúc phát hiện MP có chất cấm thì đã “trét” hết lên mặt chị em rồi còn đâu mà thu hồi. Nếu có thu hồi được đi chăng nữa, công ty đem về rồi thay bao bì, người dùng làm sao biết”.
Đó là chưa kể, nhiều loại mỹ phẩm “tung hoành” trên thị trường, quảng cáo facebook ầm ầm nhưng tìm địa chỉ... “đỏ con mắt”. Như công ty TNHH mỹ phẩm Hoa Việt có địa chỉ trên web ở số 107 Miếu Bình Đông (P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân), ngày 5/9, PV Tiền Phong đến nơi thì đó là quán cà phê, chủ quán cũng chẳng liên quan gì đến Hoa Việt. Gọi Hotline nhiều lần mới có người bắt máy, nhưng lại lấp liếm trụ sở đã dời về Q. Bình Thạnh, còn nhà máy thì ở Long An... rồi cúp máy, không liên lạc được.
Vì ham làm đẹp bằng MP giá rẻ, không ít chị em phải trả giá đắt. Mới đây, bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ đến khám trong tình trạng mặt sưng đỏ, nhiều mụn mủ li ti trên mặt, da rất mỏng và rất ngứa. Chị này kể được chủ tiệm tạp hóa gần nhà giới thiệu hũ kem không có thương hiệu với các tác dụng thần kỳ như: nhanh chóng làm trắng mịn da, giảm các nếp nhăn, chống lão hóa. Theo người này, những ngày đầu tiên sử dụng, da đẹp lên nhanh chóng. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, da bắt đầu ngứa, sưng đỏ, nhiều mụn mủ khắp mặt… Sau khi kiểm tra, làm các xét nghiệm cần thiết, BS kết luận chị bị viêm da dị ứng & kích ứng do corticoid. Corticoid nếu sử dụng bôi ngoài da không đúng cách, không theo hướng dẫn của BS sẽ để lại các tổn thương da rất nặng nề như: teo mỏng da, nứt da, mụn, giãn mạch và xuất huyết dưới da, da dễ bị kích ứng & dị ứng… Muốn điều trị và phục hồi tình trạng da thì phải mất nhiều thời gian và tốn kém, tuy nhiên da sẽ khó có thể trở lại như tình trạng lúc ban đầu.
BS Trần Thiên Tài - Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng BV ĐH Y Dược TPHCM cho biết, trung bình mỗi ngày đều có 4 - 5 trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị về vấn đề da do dùng MP. “Để bán được hàng, nhiều đơn vị sản xuất MP (bao gồm cả các loại không rõ nguồn gốc, nhãn mác) đã quảng cáo “có cánh” về các phương pháp điều trị thẩm mỹ có tác dụng làm trắng sáng, mịn da, trị mụn trong thời gian cấp tốc từ 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, người dùng phải hết sức cẩn thận vì để làm đẹp cấp tốc người sản xuất thường cho thêm corticoide và những chất có khả năng gây hại cho da” - BS Tài nói.
Ông Nguyễn Văn Bách - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, MP giả, kém chất lượng, không nguồn gốc trên thị trường hiện nay rất phổ biến, tập trung tại các điểm bán sỉ và phân tán trong các chợ nhỏ lẻ. “Trong năm, Chi cục cũng phối hợp với các ngành chức năng liên ngành thanh kiểm tra hàng hóa, trong đó có MP. Tuy nhiên, Chi cục chỉ có thể kiểm tra chủ yếu MP lậu, giả, kém chất lượng… Còn MP chứa chất cấm phải được Bộ Y tế, Sở Y tế lấy mẫu kiểm định mới kết luận được. Hơn nữa, với các loại MP có đầy đủ nhãn mác, thành phần công bố, có giấy phép nhưng vẫn dính chất cấm thì bằng cảm quan mắt thường, chúng tôi không thể xác định được” - ông Bách nói.
Tám tháng đầu năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP đã kiểm tra và phát hiện 197 vụ có liên quan đến MP như son môi, phấn trang điểm, nước hoa, sữa tắm, kem trắng da, sữa rửa mặt, thuốc nhuộm tóc... Trong đó 160 vụ không có hóa đơn chứng từ; 8 vụ hàng hóa không rõ nguồn gốc; 6 vụ kinh doanh hàng giả; 14 vụ vi phạm nhãn hàng hóa. Các vi phạm thường gặp chủ yếu là hàng hóa ngoại nhập không nhãn phụ, ghi không đủ nội dung bắt buộc, thiết lập website bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước, không niêm yết giá…
Giao lưu trực tuyến về mỹ phẩm dởm
Chiều 6/9, báo Tiền Phong tổ chức giao lưu trực tuyến “Người tiêu dùng trước ma trận mỹ phẩm dởm” nhằm giúp người tiêu dùng có thêm kinh nghiệm khi lựa chọn mỹ phẩm. Nhà báo Lý Thành Tâm - Trưởng cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM cho biết, mỗi năm TPHCM phát hiện hàng trăm vụ sản xuất mỹ phẩm kém chất lượng, trong khi các bệnh viện chuyên khoa tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân bị tai biến do dùng mỹ phẩm giả gây ra. “Đây là vấn đề không chỉ nhức nhối đối với cơ quan quản lý mà đối với người tiêu dùng. Buổi giao lưu này, báo Tiền Phong rất muốn các cơ quan quản lý cùng các chuyên gia và doanh nghiệp giải đáp những vướng mắc mà bạn đọc quan tâm. Đó là làm sao ngăn chặn được mỹ phẩm dởm, các chế tài nào để hạn chế được hàng giả, nhái đồng thời giúp người tiêu dùng nhận rõ chân tướng của các loại mỹ phẩm này”- nhà báo Lý Thành Tâm nói.